Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực kế toán và tài chính. Việc nắm vững kiến thức về thuế VAT không chỉ giúp bạn tránh những sai sót trong quá trình kê khai mà còn giúp bạn tận dụng các cơ hội để giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Vì vậy hãy cùng tư vấn Quang Minh tìm hiểu về thuế VAT một cách chi tiết từ A đến Z qua bài viết dưới đây nhé.
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là một loại thuế được áp dụng trên giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ trong suốt quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Theo Điều 2 Luật số 13/2008/QH12, thuế giá trị gia tăng tính trên giá trị gia tăng mà hàng hóa và dịch vụ có được tại từng giai đoạn của chuỗi cung ứng.
Đây là loại thuế mà doanh nghiệp tính cộng vào giá bán và người tiêu dùng sẽ thanh toán khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Doanh nghiệp thu thuế từ khách hàng và sau đó nộp cho cơ quan thuế. Mục đích của thuế giá trị gia tăng là để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho việc quản lý thuế một cách minh bạch và hợp lý.
Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng
Có 4 đặc điểm của thuế giá trị gia tăng cần chú ý:
Thứ nhất, thuế gián thu: Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, có nghĩa là người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người chịu trách nhiệm về việc thanh toán thuế. Mặc dù các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Họ thực hiện việc thu thuế từ người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ.
Thứ hai, thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp: Thuế giá trị gia tăng áp dụng ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Tuy nhiên, thuế chỉ được tính trên phần giá trị gia tăng tại từng giai đoạn cụ thể, không tính trùng lặp với phần giá trị gia tăng đã được thu thuế ở các giai đoạn trước đó. Tổng số thuế giá trị gia tăng thu được qua tất cả các giai đoạn sẽ tương đương với số thuế tính trên giá bán cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả.
Thứ ba, nguyên tắc điểm đến: Thuế giá trị gia tăng được đánh theo nguyên tắc điểm đến. Có nghĩa là thuế sẽ được áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa. Không phụ thuộc vào việc hàng hóa hoặc dịch vụ đó được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài.
Thứ tư, phạm vi điều tiết rộng: Thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rộng vì nó áp dụng cho hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Đây là loại thuế tiêu dùng phổ biến và được áp dụng rộng rãi, bao quát nhiều lĩnh vực và loại hàng hóa khác nhau.
Vai trò của thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (VAT) đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và hệ thống thuế của nhiều quốc gia. Dưới đây là các vai trò chính của thuế giá trị gia tăng:
- VAT là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp thu thuế từ người tiêu dùng và nộp cho cơ quan thuế, giúp chính phủ có ngân sách để chi tiêu cho các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, và cơ sở hạ tầng.
- Khuyến khích tiêu dùng và đầu tư: Với việc áp dụng thuế giá trị gia tăng trên cơ sở giá trị gia tăng tại từng giai đoạn, thuế này không làm giảm động lực sản xuất và đầu tư. Giúp duy trì sự phát triển của các doanh nghiệp và khuyến khích tiêu dùng.
- VAT giúp tạo điều kiện cho sự minh bạch trong các giao dịch thương mại. Doanh nghiệp phải ghi nhận và báo cáo thuế giá trị gia tăng cho các giao dịch của mình, giúp giảm thiểu tình trạng trốn thuế và tăng cường việc quản lý thuế.
- Bình đẳng giữa các doanh nghiệp: Thuế GTGT áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực, giúp tạo ra sự công bằng trong hệ thống thuế. Các doanh nghiệp có thể khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã trả cho các nhà cung cấp khi tính thuế đầu ra, giúp giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp.
- VAT có thể được điều chỉnh để hỗ trợ các chính sách kinh tế của chính phủ. Ví dụ, chính phủ có thể áp dụng mức thuế GTGT giảm cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu nhằm giảm giá tiêu dùng cho người dân hoặc khuyến khích tiêu dùng trong những lĩnh vực cụ thể.
- Thu hút đầu tư nước ngoài: Một hệ thống VAT rõ ràng và công bằng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư quốc tế thường ưa thích môi trường kinh doanh minh bạch và dễ dự đoán và VAT có thể góp phần vào việc tạo ra môi trường này.
Đối tượng bắt buộc chịu thuế giá trị gia tăng
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) bao gồm:
- Hàng hóa và dịch vụ trong nước: Tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong Việt Nam đều phải chịu thuế giá trị gia tăng. Bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ do các tổ chức và cá nhân trong nước cung cấp.
- Hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu: Hàng hóa và dịch vụ mua từ các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài cũng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT khi được nhập khẩu vào Việt Nam. Thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu được áp dụng theo mức thuế quy định trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Các mức thuế suất giá trị gia tăng áp dụng cho các đối tượng này như sau:
- Thuế suất 0%: Áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và các hoạt động tương tự, theo quy định tại Điều 9, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Thuế suất 5%: Thường áp dụng cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, theo Điều 10, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Thuế suất 10%: Áp dụng cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế suất 0% hoặc 5%.
- Thuế suất 8%: Áp dụng từ 1/7/2023 đến 31/12/2023 cho một số nhóm hàng hóa và dịch vụ hiện đang chịu thuế suất 10%, trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định 44/2023/ND-CP.
Ngoài ra:
- Nếu cơ sở kinh doanh không phân biệt rõ ràng theo từng mức thuế suất, phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ của cơ sở đó.
- Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hàng hóa và dịch vụ, theo quy định tại Điều 8, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Chính phủ đã ban hành một chính sách mới giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8% từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/06/2024 theo Nghị quyết 110/2023/QH15. Theo chính sách này, mức thuế suất 8% sẽ áp dụng cho các nhóm hàng hóa và dịch vụ hiện đang chịu thuế suất 10%. Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa và dịch vụ sẽ không được áp dụng mức thuế suất mới này, bao gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (trừ than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất, và các hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối tượng không bắt buộc chịu thuế giá trị gia tăng
Dưới đây là các đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) được phân loại theo các lý do khác nhau:
Dịch vụ và sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp:
- Sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
- Giống vật nuôi và cây trồng (như trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi).
- Dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trực tiếp, như tưới tiêu, cày bừa, nạo vét kênh, thu hoạch.
- Phân bón, máy móc và thiết bị chuyên dụng cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt, thức ăn gia súc và gia cầm.
- Muối làm từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh và muối i-ốt.
Dịch vụ xã hội:
- Dịch vụ y tế và thú y, bao gồm khám chữa bệnh, phòng bệnh, và chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.
- Sản phẩm nhân tạo thay thế bộ phận cơ thể, nạng, xe lăn cho người tàn tật.
- Hoạt động giảng dạy và dạy nghề theo quy định của pháp luật.
- Bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, bảo hiểm người học và bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tàu, thuyền.
- Xuất bản, nhập khẩu, phát hành sách, báo, tạp chí, giáo trình, sách chính trị, sách giáo khoa.
- Dịch vụ công ích như bưu chính, viễn thông, Internet phổ cập, duy trì công viên, chiếu sáng công cộng, dịch vụ tang lễ.
- Xây dựng, sửa chữa công trình công cộng bằng vốn nhân dân và viện trợ nhân đạo.
Cam kết quốc tế:
- Quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, và cá nhân ở Việt Nam theo mức quy định.
- Vật dụng, đồ dùng của các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao.
- Hàng hóa và dịch vụ cho viện trợ nhân đạo và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
- Hàng hóa khi nhập cảnh, vật tư của người Việt định cư ở nước ngoài về nước.
Hàng hóa không phải mục đích tiêu dùng tại Việt Nam:
- Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hoặc giữa khu phi thuế quan.
- Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng gia công với bên nước ngoài.
Doanh nghiệp có thu nhập thấp:
- Hàng hóa và dịch vụ của hộ kinh doanh hoặc cá nhân có doanh thu hàng năm dưới 100 triệu đồng.
Chi tiêu nhà nước:
- Vũ khí và khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh.
- Phát sóng truyền thanh, truyền hình từ ngân sách nhà nước.
Lý do khác:
- Chuyển quyền sử dụng đất.
- Vàng dạng thỏi nhập khẩu và vàng chưa được chế tác.
- Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và phần mềm máy tính.
- Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bán cho người thuê.
- Máy móc, thiết bị nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, và các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
- Sản phẩm xuất khẩu từ tài nguyên khoáng sản chưa chế biến hoặc chế biến từ nguyên liệu chính là tài nguyên khoáng sản với tỷ lệ chi phí chiếm từ 51% giá thành trở lên.
- Dịch vụ tín dụng, quỹ đầu tư, chuyển nhượng vốn, kinh doanh chứng khoán.
Đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng
Dưới đây là các đối tượng không phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), phân theo các lý do cụ thể:
Luồng tiền không liên quan đến giao dịch hàng hóa, dịch vụ:
- Các khoản thu bồi thường bằng tiền (bao gồm bồi thường đất và tài sản khi thu hồi đất), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, và tiền chuyển nhượng quyền phát thải.
- Thu đòi từ hoạt động bảo hiểm.
- Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng.
- Thù lao từ cơ quan Nhà nước cho việc thu hộ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện, thu thuế cá nhân, chi trợ cấp, và các khoản thu hộ khác.
Tài sản luân chuyển không phải giao dịch bán hàng:
- Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp (cần biên bản góp vốn và định giá tài sản).
- Điều chuyển tài sản cố định giữa các đơn vị thành viên thuộc cùng cơ sở kinh doanh hoặc giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc theo giá trị ghi sổ.
- Điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp với đầy đủ hồ sơ quyết định và nguồn gốc tài sản.
Luân chuyển hàng hóa nội bộ không phải nghiệp vụ mua bán:
- Hàng hóa chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm trong cùng cơ sở sản xuất để tiếp tục quá trình sản xuất.
- Hàng hóa và dịch vụ do cơ sở kinh doanh sử dụng cho hoạt động kinh doanh nội bộ.
Cho vay, mượn, hoàn trả không phải mua bán:
- Xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn, hoặc hoàn trả, với hợp đồng và chứng từ liên quan.
Không đáp ứng điều kiện đối tượng nộp thuế:
- Tổ chức, cá nhân không kinh doanh bán tài sản.
- Chuyển nhượng dự án đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế (nếu sản phẩm không chịu thuế, dự án vẫn phải kê khai và nộp thuế).
- Hàng hóa nhập khẩu đã xuất khẩu bị trả lại không phải kê khai thuế giá trị gia tăng tại khâu nhập khẩu, nhưng khi bán trong nội địa thì cần kê khai thuế.
Tiêu dùng ngoài Việt Nam không đáp ứng nguyên tắc điểm đến:
- Mua dịch vụ từ tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc cá nhân không cư trú tại Việt Nam, bao gồm:
-
- Sửa chữa các loại phương tiện vận tải, máy móc và thiết bị.
- Dịch vụ quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến đầu tư, thương mại, môi giới bán hàng ra nước ngoài.
- Đào tạo và chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế thực hiện ngoài Việt Nam.
- Doanh thu từ các dịch vụ đại lý, bao gồm bưu chính viễn thông, vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, và bảo hiểm.
Sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến hoặc sơ chế thông thường:
- Bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và hải sản chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường từ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Các đối tượng này không cần kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng vì lý do không liên quan đến giao dịch bán hàng. Không đáp ứng điều kiện về đối tượng nộp thuế hoặc vì sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng ngoài Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của thuế giá trị gia tăng.
Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng
Sử dụng phương pháp khấu trừ thuế
Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng cho các doanh nghiệp: thực hiện đầy đủ các quy định về kế toán, hóa đơn, chứng từ và có doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ. Phương pháp này không áp dụng cho hộ, cá nhân kinh doanh.
Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ như sau:
Xác định số thuế VAT đầu ra:
- Công thức: Số thuế VAT đầu ra = Giá trị các sản phẩm/dịch vụ bán ra × Thuế suất VAT của sản phẩm/dịch vụ đó.
- Đây là số thuế mà doanh nghiệp thu từ khách hàng khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.
Xác định số thuế VAT đầu vào được khấu trừ:
- Công thức: Tổng số thuế VAT đầu vào = Tổng số thuế VAT ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng khi mua hàng hóa/dịch vụ + Chứng từ nộp thuế VAT của hàng hóa nhập khẩu.
- Đây là số thuế mà doanh nghiệp đã trả khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ và có các chứng từ hợp lệ theo quy định.
Tính số thuế VAT cần nộp:
- Công thức: Số thuế VAT cần nộp = Số thuế VAT đầu ra – Số thuế VAT đầu vào được khấu trừ.
- Kết quả sẽ là số thuế VAT doanh nghiệp cần phải nộp cho cơ quan thuế.
Phương pháp này giúp doanh nghiệp chỉ nộp phần chênh lệch giữa thuế đầu ra và thuế đầu vào, nhằm giảm thiểu chi phí thuế.
Sử dụng phương pháp trực tiếp
Phương pháp trực tiếp để tính thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng (nếu không đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ), các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài không có cơ sở kinh doanh thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu tại Việt Nam và không thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, cũng như các tổ chức kinh tế khác không đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
Cách tính thuế VAT theo phương pháp trực tiếp như sau:
Xác định số thuế VAT cần nộp:
- Công thức: Số thuế VAT cần nộp = Tỷ lệ % × Doanh thu.
Tỷ lệ phần trăm tính thuế được quy định như sau:
- 1% cho dịch vụ phân phối và cung cấp hàng hóa.
- 2% cho các hoạt động kinh doanh khác không thuộc các loại cụ thể khác.
- 3% cho sản xuất, vận tải, dịch vụ liên quan đến hàng hóa và xây dựng bao thầu nguyên vật liệu.
- 5% cho dịch vụ xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu.
- 10% cho hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
Doanh thu:
- Đây là tổng số tiền thu được từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ thực tế, bao gồm cả các khoản phụ thu, phí thêm mà doanh nghiệp nhận được.
Phương pháp trực tiếp đơn giản hơn so với phương pháp khấu trừ vì không yêu cầu kê khai và khấu trừ thuế đầu vào, chỉ cần áp dụng tỷ lệ phần trăm cụ thể trên tổng doanh thu để tính số thuế phải nộp.
Quy trình kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng
Quy trình kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp bao gồm các bước sau:
Bước 1. Xác định phương pháp tính thuế:
Doanh nghiệp cần xác định phương pháp tính thuế VAT mà mình áp dụng là phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp. Phương pháp khấu trừ áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Trong khi phương pháp trực tiếp áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở kinh doanh thường trú tại Việt Nam.
Bước 2. Xác định kỳ kê khai thuế:
Doanh nghiệp phải xác định kỳ kê khai thuế của mình là theo tháng hay theo quý. Doanh nghiệp thường kê khai theo tháng nếu có doanh thu hàng tháng cao hoặc kê khai theo quý nếu doanh thu không ổn định hoặc thấp hơn mức quy định.
Bước 3. Lập tờ khai thuế VAT:
Doanh nghiệp lập tờ khai thuế VAT hàng tháng hoặc hàng quý, tùy thuộc vào kỳ kê khai đã xác định. Tờ khai thuế phải bao gồm các thông tin về số thuế VAT đầu ra và đầu vào, cũng như các số liệu liên quan đến doanh thu và chi phí.
Bước 4. Nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế:
Sau khi lập xong tờ khai thuế, doanh nghiệp nộp tờ khai này cho cơ quan thuế quản lý. Việc nộp tờ khai có thể thực hiện trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua hệ thống điện tử nếu có.
Bước 5. Thực hiện quyết toán thuế:
Doanh nghiệp cần thực hiện quyết toán thuế theo quy định, thường là vào cuối năm tài chính. Quyết toán thuế giúp xác nhận số thuế đã nộp trong năm và kiểm tra tính chính xác của các số liệu đã kê khai.
Bước 6. Hoàn thuế VAT (Nếu Có):
Trong trường hợp doanh nghiệp có số thuế VAT đầu vào lớn hơn số thuế VAT đầu ra và đủ điều kiện theo quy định, doanh nghiệp có thể yêu cầu hoàn thuế. Quy trình hoàn thuế bao gồm việc nộp hồ sơ yêu cầu hoàn thuế cùng với các chứng từ liên quan cho cơ quan thuế.
Quyết toán thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ không cần thực hiện quyết toán thuế GTGT vào cuối năm tài chính. Trừ trường hợp có hợp đồng nhà thầu thanh toán nhiều lần. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần thực hiện quyết toán để xác định số thuế GTGT thực tế phải nộp và đảm bảo số thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ đúng quy định.
Hoàn thuế giá trị gia tăng
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào: Đối với doanh nghiệp kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ. Nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong kỳ kê khai (tháng hoặc quý) thì số thuế này có thể được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Hoàn thuế giá trị gia tăng: Nếu sau ít nhất mười hai tháng (đối với kê khai theo tháng) hoặc bốn quý (đối với kê khai theo quý) từ thời điểm phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết. Mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ, doanh nghiệp có quyền yêu cầu hoàn thuế.
- Thực hiện yêu cầu hoàn thuế: Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ yêu cầu hoàn thuế cho cơ quan thuế cùng với các chứng từ và tài liệu chứng minh việc chưa khấu trừ hết thuế GTGT đầu vào. Hồ sơ này sẽ được cơ quan thuế kiểm tra và xử lý theo quy định.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định về quyết toán thuế và quy trình hoàn thuế để tối ưu hóa lợi ích và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc thực hiện đầy đủ và chính xác các bước liên quan đến thuế giá trị gia tăng không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả quản lý thuế của nhà nước.
Đánh giá: