Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc ký kết hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài đã trở nên phổ biến trong kinh doanh. Hợp tác quốc tế mang lại nhiều cơ hội và lợi ích mở rộng thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, việc thực hiện các thỏa thuận này đòi hỏi sự thận trọng và hiểu biết sâu sắc về pháp lý, văn hóa và quy trình làm việc của đối tác nước ngoài. Bài viết này cung cấp các giải đáp và lưu ý về mặt pháp lý liên quan khi ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài.
Ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài thế nào cho đúng pháp luật?
Khi tham gia giao kết hợp đồng nói chung và ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài nói riêng thì các bên đều được thỏa thuận và thương lượng tự do về các điều kiện, điều khoản của hợp đồng, miễn là các thỏa thuận này không trái với quy định pháp luật và đi ngược với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 tại Điều 385 thì hợp đồng được xác định là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền lợi và nghĩa vụ dân sự liên quan.
Đồng thời, căn cứ theo quy định của của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 tại Điều 11, nguyên tắc tự do và tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại được xác định:
- Các bên trong quan hệ thương mại có quyền tự do thỏa thuận các điều kiện của hợp đồng để xác lập các quyền, nghĩa vụ của các bên, bao gồm nội dung, hình thức, thời hạn, giá cả và các điều kiện khác, miễn là không trái quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục hay đạo đức chuẩn mực xã hội.
- Việc thỏa thuận trong quan hệ thương mại phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không bị ép buộc, đe dọa, lừa dối hoặc cưỡng bức.
Nguyên tắc này khẳng định quyền tự quyết của các bên trong hoạt động thương mại, kể cả trường hợp ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài. Nhằm tạo điều kiện cho sự linh hoạt và hiệu quả trong giao dịch thương mại. Tuy nhiên, thỏa thuận phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu lực của hợp đồng.
Ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài có buộc sử dụng con dấu không?
Để trả lời câu hỏi: Ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài có buộc sử dụng con dấu không, chúng ta căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 tại khoản 3 Điều 43 về dấu của doanh nghiệp.
Quy định này cho thấy việc quản lý và lưu giữ dấu doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của bản điều lệ công ty hoặc quy chế do tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có con dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng con dấu trong những giao dịch được quy định bởi pháp luật.
Như vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp phải sử dụng con dấu trong những hoạt động giao dịch được quy định bởi pháp luật. Nói cách khác, pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng con dấu trong những hoạt động giao dịch mà các bên có sự thoả thuận về việc sử dụng dấu.
Vì thế, pháp luật chỉ bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu của doanh nghiệp trong những giao dịch được quy định bởi pháp luật. Còn những giao dịch mà các bên tham gia ký kết có thể thỏa thuận có hoặc không sử dụng con dấu, kể cả trường hợp ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài thì pháp luật không bắt buộc phải sử dụng con dấu doanh nghiệp để giao dịch hợp đồng.
Trước đây, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 tại Điều 44 quy định các trường hợp doanh nghiệp phải sử dụng con dấu bao gồm:
- Các trường hợp pháp luật có quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu doanh nghiệp.
- Các trường hợp điều lệ công ty quy định sử dụng con dấu.
- Trường hợp các bên có thoả thuận về việc sử dụng con dấu.
Thực tế, tại nhiều quốc gia, doanh nghiệp không sử dụng con dấu mà chỉ áp dụng chữ ký của người đại diện pháp luật hoặc người được uỷ quyền của doanh nghiệp .
Vì thế, trong trường hợp ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài không đóng dấu mà chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền thì hợp đồng vẫn có giá trị nếu nội dung của giao dịch hợp đồng không trái với quy định pháp luật.
Những điều cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng với công ty nước ngoài
Kiểm tra pháp nhân giao kết của công ty nước ngoài
Khi soạn thảo ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài, việc kiểm tra pháp nhân giao kết là rất quan trọng. Bạn cần xác minh rằng công ty đối tác có tư cách pháp lý hợp lệ, bao gồm giấy phép hoạt động, mã số thuế và các chứng nhận liên quan. Điều này giúp đảm bảo rằng công ty có quyền ký kết hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh tại quốc gia của đối tác để tránh rủi ro pháp lý.
Lưu ý về ngôn ngữ hợp đồng khi soạn thảo ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài
Khi soạn thảo hợp đồng với công ty nước ngoài, cần lưu ý về ngôn ngữ sử dụng. Nên chọn ngôn ngữ mà cả hai bên đều hiểu rõ, thường là tiếng Anh. Cần quy định rõ ràng ngôn ngữ chính của hợp đồng và điều khoản về phiên dịch nếu cần thiết. Điều này giúp tránh hiểu nhầm và đảm bảo tính chính xác trong các điều khoản hợp đồng.
Lưu ý về thanh toán và phương thức thanh toán
Cần xác định rõ giá trị hợp đồng, đơn vị tiền tệ và phương thức thanh toán (chuyển khoản, séc, hoặc các phương thức khác). Nên quy định thời hạn thanh toán cụ thể và các điều kiện liên quan như tiền đặt cọc, phí dịch vụ, hoặc khoản phạt nếu chậm thanh toán để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Lưu ý về luật áp dụng khi soạn thảo hợp đồng với công ty nước ngoài
Cần lưu ý chọn luật áp dụng cho hợp đồng khi soạn thảo và ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài. Nên quy định rõ ràng luật của quốc gia nào sẽ điều chỉnh hợp đồng, thường là luật của nước nơi dịch vụ được thực hiện hoặc luật của một trong các bên. Điều này giúp xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp. Nên tham khảo ý kiến của luật sư để đảm bảo sự lựa chọn này phù hợp và hiệu quả.
Áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại với công ty nước ngoài
Khi doanh nghiệp xảy ra tranh chấp thương mại khi ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài thì các bên căn cứ hợp đồng hay thỏa thuận với nhau về việc áp dụng luật pháp tại nước nào để giải quyết.
- Căn cứ vào quy định của Điều 5 Luật Thương mại 2005 về việc áp dụng luật pháp giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Theo đó, các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế có quyền thỏa thuận về luật áp dụng cho tranh chấp của mình. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có ban hành quy định về việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế hay pháp luật nước ngoài hay có quy định khác với quy định của Luật Thương mại nêu trên thì giải quyết tranh chấp áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
- Các bên tham gia ký kết hợp đồng trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được quyền thỏa thuận luật của quốc gia nào sẽ điều chỉnh hợp đồng hay áp dụng tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật quốc gia hay tập quán thương mại quốc tế đó không quy định trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể căn cứ theo Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 tại Điều 14 quy định về luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.
- Đối với những tranh chấp thương mại không có yếu tố nước ngoài thì Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện giải quyết tranh chấp.
- Đối với những tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thì Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng theo quy định pháp luật mà các bên lựa chọn. Nếu các bên tham gia ký kết hợp đồng không thỏa thuận được luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra quyết định áp dụng theo pháp luật mà Hội đồng trọng tài xét thấy phù hợp nhất.
- Đối với trường hợp pháp luật Việt Nam và pháp luật mà các bên ký kết hợp đồng lựa chọn không có quy định chi tiết về nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài có thể áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là việc áp dụng pháp luật của quốc gia nào hay tập quán quốc tế để điều chỉnh và giải quyết khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thương mại với công ty nước ngoài. Vì thế, việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng khi soạn thảo và ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài là điều quan trọng để tránh những rắc rối về sau.
Như vậy, việc ký hợp đồng dịch vụ với công ty nước ngoài là một bước đi quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Để đảm bảo sự thành công và hiệu quả trong hợp tác, các bên cần chú trọng đến việc thương thảo các điều khoản rõ ràng, hợp lý và bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, việc hiểu biết về các quy định pháp lý và văn hóa làm việc của đối tác cũng góp phần nâng cao tính bền vững của mối quan hệ.
Đánh giá: